Nhận thấy tình trạng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều nhưng chưa được thu gom, xử lý đúng cách gây nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu năm 2020, Hội LHPN xã Hoằng Ngọc (huyện Hoằng Hóa) đã kêu gọi, vận động hội viên, người dân thực hiện xã hội hóa mua thùng đựng rác có nắp đậy. Ban đầu chỉ một vài hộ, sau đó cả xóm họp bàn làm sao thi đua để ngõ xóm sạch đẹp. Nhiều người thấy thấy đẹp, thấy hữu ích nên cả thôn đồng tình ủng hộ và mua thùng rác xanh đặt tại nhà mỗi hộ dân.
Cả thôn chung tay bảo vệ môi trường từ những thùng rác xanh
Về thôn 1 ( xã Hoằng Ngọc huyện Hoằng Hóa – Thanh Hóa) hôm nay thấy rõ sự thay đổi của một vùng quê. Dọc đường dẫn vào thôn hai bên đường dàn hoa tím mọc chạy dài khoe sắc. Dễ dàng thấy, trên vỉa hè, trước mỗi hộ dân luôn có một thùng rác nhựa màu xanh đặt ngay ngắn. Trong thôn không còn tình trạng vứt rác bừa bãi khắp nơi như trước. Những con đường trở nên sạch đẹp, thông thoáng.
Chi hội phụ nữ thôn hơn một năm qua đã kiên trì đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền người dân có trách nhiệm hơn với môi trường bằng những hành động nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, tạo thói quen phân loại rác ngay tại từng hộ dân. Trước đây, theo thói quen của người dân, rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý ngay tại nhà bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Sau đó xã đã cho xây dựng bãi rác tập trung. Rác được người dân nơi đây dồn treo vào các túi nilon trước cổng nhà, hoặc cho vào các thùng, xô chậu cũ gây mất mỹ quan và không đảm bảo vệ sinh. Đến nay rác đã được phân loại, bỏ vào các thùng rác có nắp đậy cẩn thận tại từng nhà, từng ngõ.
Theo người dân địa phương: trước đây rác thải sinh hoạt chưa được thu gom tập trung, công tác vệ sinh tại các hộ dân hay các khu vực công cộng trên địa bàn xã có thời điểm không sạch sẽ, những bãi rác tự phát bốc mùi gây ô nhiễm và làm mất cảnh quan
Từ năm 2016, cấp ủy xã cùng người dân địa phương thôn đã vận động người dân trồng đường hoa không chỉ các đường nội thôn mà cả những trục đường ra ruộng. Cùng với đó các tổ chức thu gom rác tại từng thôn được thành lập. Rác thải sẽ được thu gom theo định kỳ 1 tuần 1 lần.
Đi dọc trục đường vào thôn 1 Hoằng Hóa ( Đoạn từ cầu Choắn cũ đi vào) không khó để bắt gặp dãy thùng rác được đặt ngay ngắn phía trước cửa nhà người dân. Những thùng rác này được làm từ chất liệu nhựa chất lượng, dung tích thùng rác 60 lít bên ngoài được in thêm dòng chữ “ chung tay bảo vệ môi trường” những thùng rác này không chỉ tác dụng chứa rác sinh hoạt. Nó còn là công cụ nhắc nhở người dân nơi đây có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định.
Được biết, những thùng rác này được chính người dân bỏ tiền túi ra mua qua sự tuyên truyền vận động của chi hội phụ nữ xã, thôn. Không những vậy, tại các trục đường chính của xã Hoằng Ngọc, còn được người dân hệ thống đèn đường chiếu sáng và camera. Thời gian đầu lắp đặt thùng rác tại khu vực riêng của các hộ gia đình, tình trạng lấy trộm thùng rác xảy ra thường xuyên. Nhờ hệ thống đèn đường và camera này không chỉ đảm bảo an ninh mà còn nhằm giám sát xem ai vứt rác bừa bãi để kịp thời nhắc nhở. Thấy được hiệu quả tích cực, nhiều hộ dân tại khu vực đã tự đặt mua thêm thùng rác đặt tại khu vực nhà mình.
Lan tỏa mô hình, cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường
Từ ngày có các thùng rác tại mỗi gia đình, đường làng, ngõ xóm trở nên sáng, sạch, đẹp, đảm bảo mỹ quan, không còn mùi hôi thối người dân qua lại đều cảm thấy thông thoáng, gọn gàng. Tại những vị trí đặt rác cũ, chi hội phụ nữ đã có sáng kiến trồng cây, trồng hoa Đến nay trên khắp tuyến đường trong xã đã được phủ cây xanh và hoa dọc đường.
Bên cạnh đó, xã Hoằng Ngọc cũng chỉ đạo duy trì các hoạt động tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm tại các thôn bên cạnh các mô hình hoạt động về môi trường xanh như: đoạn đường phụ nữ tự quản, đi chợ dùng làn nhựa, hạn chế dùng túi nilon…
Với cách làm trên, Hội LHPN xã Hoằng Ngọc đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận đánh giá cao, là tiền đề để xây dựng ý thức hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; Đó là một dấu ấn trên con đường xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Hoằng Ngọc được người dân nhiệt tình ủng hộ
Với hiệu những hiệu quả tích cực đã mang lại, mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong và ngoài xã. Tuy nhiên, để làm tốt vấn đề môi trường, rất cần sự đồng thuận chung tay vì cộng đồng của mỗi cá nhân trước hết là làm tốt tại ngay gia đình mình.